admin
Bùng nổ tuyển dụng sau dịch
Dịch bệnh Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Điều này đang đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển đầu tư sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Ví dụ, Apple quyết định sẽ sản xuất khoảng 30% mẫu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.
Theo ManpowerGroup Việt Nam, nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, vận tải, chuỗi cung ứng/hậu cần, nông nghiệp, chuỗi sản xuất ngành thực phẩm và đồ uống trong nước hiện bắt đầu khởi sắc.
Đặc biệt, nhóm ngành kinh doanh, thương mại trực tuyến vẫn tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí từ cấp cao đến cấp trung và cấp phổ thông. Các ngành fintech, ví điện tử, công nghệ bảo hiểm (insurance tech), công nghệ thực phẩm (food tech), chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế, ngành năng lượng mới cũng tăng nhu cầu tuyển dụng.
“Chúng tôi dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ đảo chiều và bùng nổ sau dịch, những ngành đang cắt giảm nhân sự sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng vì họ sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư sản xuất”, Ông Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam.
Trong trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã quay lại nhịp độ sản xuất ban đầu, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tăng tốc quá trình tuyển dụng. “Một số khách hàng trong mảng sản xuất của chúng tôi thậm chí gia tăng sản lượng trong mùa Covid- 19, đặc biệt là ngành sản xuất”, ông Sơn nói.
Mới đây, Công ty TNHH LG Display đã đăng tuyển hơn 5.000 công nhân sản xuất và hơn 1.000 kỹ thuật viên. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng sản xuất sau dịch cũng như đáp ứng các đơn hàng tăng cường từ đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, Tập đoàn Samsung Việt Nam đã thông báo về đợt tuyển dụng nhân sự chất lượng cao với quy mô lớn trong năm 2020. Theo đó, để mở rộng hoạt động sản xuất ngay trong năm nay, Samsung Việt Nam tiếp tục tuyển dụng kỹ sư, cử nhân tất cả các chuyên ngành từ các trường đại học, học viện trong cả nước.
Chuẩn bị năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu thương chiến Mỹ - Trung là tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh Covid-19 càng đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Và đây là cơ hội cho Việt Nam.
Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất tại châu Á nhờ vào nhiều lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, chính sách thuế quan hấp dẫn, môi trường chính trị ổn định, lợi thế địa lý và chính sách thương mại cởi mở. Các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc, đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển ngành sản xuất lên một tầm cao mới, tạo ra hàng ngàn việc làm ý nghĩa cho lực lượng lao động trong nước.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nước duy nhất và sẽ bị cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực muốn “hút” dòng vốn này về nước mình. Kể từ khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ hơn một năm trước, ngoài Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất sang Philippines, Đài Loan.
Vào ngày 3-5-2020, Nhật Bản công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỉ đô la Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp nội địa dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc về lại Nhật hoặc chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Trước đó, vào tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã liên hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và đề nghị các chính sách hỗ trợ hấp dẫn đối với những doanh nghiệp sản xuất nào muốn rời khỏi Trung Quốc.
Việt Nam dù là điểm đến hấp dẫn nhưng chất lượng nguồn lao động vẫn là điểm yếu cốt tử khi thu hút nguồn vốn này. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm…
Hàng năm, lương tối thiểu vùng tại Việt Nam tăng trung bình 5- 5,5%. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 năm 2020 là 4,48 triệu đồng, tăng 460% trong 11 năm qua. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức độ tăng trưởng GDP hàng năm, mức tăng lương tối thiểu này vẫn còn gây nhiều tranh luận giữa các doanh nghiệp và người lao động. Trong khu vực, Đông Nam Á, không phải nước nào cũng điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm như Việt Nam. Đơn cử Thái Lan, họ chỉ điều chỉnh tăng lương 2 lần kể từ 2013 và lần gần đây nhất là năm 2020, họ chỉ điều chỉnh tăng 0,2 đô la Mỹ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tiền lương của lao động Việt Nam cao hơn so với nhân lực của một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ bằng gần nửa so với Trung Quốc. Lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi.
“Để duy trì độ hấp dẫn của yếu tố nhân lực đối với các nhà đầu tư, Việt Nam nên đi theo hướng phát triển kỹ năng, gồm cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, thay vì chỉ tập trung vào chi phí nhân công”, ông Sơn nói.
Ông Sam Haggag - Tổng giám đốc ManpowerGroup Malaysia cho rằng, công nghệ tiên tiến đang tác động và chuyển đổi các ngành nghề trên phạm vi toàn cầu, và ngành sản xuất cũng không ngoại lệ. Gần một nửa (49%) các vị trí trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong vòng ba đến năm năm tới. Đặc biệt, các vị trí đòi hỏi các kỹ năng cao như tự động hoá, thiết bị đo đạc (instrumentation) và công nghệ robot (robotics) đang gia tăng.
Để tăng chất lượng nhân tài, tiền đề thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới, ông Haggag nhấn mạnh các tổ chức cần những cách tiếp cận mới hơn để tăng cường việc nâng cao kỹ năng cho người lao động và phát triển nhân tài cần thiết giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh. Các chương trình đào tạo ngắn hạn tối đa sáu tháng là phương pháp phát triển kỹ năng hiệu quả nhất.
Nghiên cứu “Khảo sát thiếu hụt nhân tài” của ManpowerGroup năm 2019, dự đoán 84% doanh nghiệp sẽ đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động của họ vào năm 2020, con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (chỉ có 21% doanh nghiệp đào tạo cho nhân viên của mình).
Nhân sự đáp ứng được nhu cầu kỹ năng của doanh nghiệp sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân tài và giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TBKTSG Online
TopG Việt Nam là một trong những công ty cung cấp các giải pháp nhân sự hàng đầu Việt Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm cung ứng lao động trong và ngoài nước, TopG tự hào được nhiều đối tác trong và ngoài nước lựa chọn. Dịch vụ của chúng tôi đa dạng gồm Tuyển dụng nhân sự trung cao cấp, tuyển dụng lao động phổ thông, các khóa học kỹ năng và bảo hiểm phi nhân thọ Bạn có thể gửi sơ yếu lý lịch và CV trực tiếp đến nhà tuyền dụng. Hiện nay có rất nhiều những địa chỉ uy tín do đó bạn có thể tham khảo kĩ và lựa chọn cho mình một công việc phù hợp nhất ví dụ như tại trang việc làm https://jobmoi.vn/ hay https://topg.vn/.
02471058555